Trong đó, UBND TP.HCM yêu cầu nhiều đơn vị phải xác định quy mô các dự án đầu tư; xây dựng quy trình thẩm định, xét duyệt, phê duyệt, đảm bảo thời gian xử lý giảm ít nhất 50% so với quy định hiện hành; xây dựng phần mềm cập nhật ý kiến các sở-ngành để các thành viên Tổ công tác về đầu tư tham khảo và đề xuất ý kiến đối với dự án.
Cơ quan này cũng được giao xây dựng quy trình liên thông trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tham mưu phân bổ kế hoạch đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tập trung vào 9 ngành dịch vụ chủ yếu, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và các chương trình đột phá của TP.HCM; đồng thời nâng cao năng lực lập, thẩm định, bố trí vốn; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019; lập danh mục các công trình, dự án trọng điểm mời gọi đầu tư.
Hàng quý, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thống kê lũy kế doanh nghiệp có số vốn đăng ký kinh doanh từ 100 tỷ đồng và từ 1.000 tỷ đồng trở lên, phân theo ngành nghề kinh doanh chính.
Từ quý 1/2019, Sở sẽ tổ chức cập nhật tình hình doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vào báo cáo kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng của TP.HCM. Từ quý 3/2019, Sở sẽ tham mưu kế hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và an ninh quốc phòng của TP.HCM năm 2020; tổng kết 5 năm thực hiện công tác thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; lập quy hoạch mới phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ